27 thg 3, 2015

Khi trẻ biếng ăn và chậm mọc răng

Chào các bác sỹ tư vấn, Con gái tôi 10 tháng tuổi có cân nặng là 10kg và chiều cao là 74cm. Hiện bé đang được ăn cháo mặn tán nhuyễn ngày 3 lần (khoảng 450ml cháo/ngày) và bú 700ml sữa vậy mà đến giờ bé vẫn chưa mọc răng. Bé đã biết ngồi, biết đứng chựng, tự vịn đi trong nôi... Hiện bé đang uống thuốc bổ Danbinavit theo chỉ định của bác sỹ của viện dinh dưỡng Tp. HCM vì tình trạng biếng ăn (bé ăn một bữa cháo hết 1 tiếng), bên cạnh đó mỗi sáng em thường cho bé tắm nắng trên chiếc xe đẩy trẻ em khoảng 10 phút (em cởi áo bé ra để da bé tiếp xúc với ánh nắng). Xin các bác sĩ tư vấn giúp em tình trạng chậm mọc răng của bé có phải do còi xương không ạ? Và làm thế nào để bé ăn nhanh hơn mà không phải ngậm cháo trong miệng. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ phía các bác sỹ tư vấn. Xin chân thành cảm ơn!!! Quynh Anh

(Nguyen Dac Quynh Anh)


Trả lời: 

Chào bạn Quỳnh Anh, chúng tôi xin trả lời các câu hỏi mà bạn quan tâm như sau:

1. Trẻ biếng ăn:

Biếng ăn là một tình trạng phổ biến hay gặp hiện nay ở trẻ em, càng ở những gia đình quá quan tâm đến ăn uống của trẻ, bắt trẻ ăn quá nhiều thì trẻ lại càng biếng ăn. Vậy như thế nào thì gọi là trẻ bị biếng ăn? 

Dựa vào 3 yếu tố sau :

- Thời gian trẻ ăn trong một bữa.

- Số bữa ăn và lượng thức ăn trong một ngày.

- Trạng thái tinh thần của trẻ trong bữa ăn. 

Bình thường một bữa ăn của trẻ kéo dài khoảng 15 – 20 phút tối đa là 30 phút, trẻ được coi là biếng ăn khi thời gian kéo dài trên 30 phút. Số bữa ăn và lượng ăn phụ thuộc vào tuổi của trẻ, ví dụ trẻ 1 tuổi cần ăn 3 – 4 bữa cháo (bột)/ngày + 500ml sữa nếu trẻ chỉ ăn được 2 bữa hoặc và ít hơn 250ml sữa/ngày thì được coi là biếng ăn. 

Khi trẻ ăn ngon miệng; trạng thái tinh thần của trẻ vui vẻ, hào hứng; khi ăn hợp tác tốt với người cho ăn, còn trẻ biếng ăn thì thường gào khóc, không há miệng, quay mặt đi ...

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ:

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu tập trung vào 3 nhóm nguyên nhân chính sau đây:

- Trẻ bị bệnh: Tất cả các bênh nhiễm khuẩn đều gây ra chứng biếng ăn, dù là nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ, cấp tính hay mãn tính như viêm V.A, viêm tai, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, các bệnh cúm, ho gà...tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột, viêm gan, các bệnh đường mật, một số bệnh lý toàn thân khác : còi xương, thiếu máu, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin..) Ngay cả khi mọc răng trẻ cũng có thể biếng ăn: biếng ăn xuất hiện mấy tuần lễ trước khi mọc răng, khi răng đã nhú khỏi lợi trẻ lại ăn bình thường.

- Do sai lầm về ăn uống: do thay đổi chế độ ăn, trẻ chưa quen với món ăn mới, cai sữa đột ngột hoặc quá chậm, cho trẻ ăn quá nhiều khiến trẻ không tiêu hoá hết thức ăn ăn vào, ăn quá ít, chế độ ăn không cân đối, cách chế biến thức ăn không hợp với khẩu vị của trẻ, bắt trẻ ăn một loại thức ăn trong nhiều ngày, nhiều tuần, cách chế biến không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

- Do yếu tố tâm lý: Thường gặp ở các gia đình quan tâm lo lắng quá mức đến bữa ăn của trẻ, bắt trẻ ăn quá nhiều. Người cho ăn có thái độ không đúng: đánh đập, bóp mồm, bóp mũi trẻ, biến bữa ăn của trẻ thành nỗi sợ hãi kinh hoàng ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, mỗi khi nhìn thấy bát bột, bình sữa là trẻ đã sợ hãi. 

Ngoài ra yếu tố tâm lý còn do thay đổi môi trường sống, thay đổi người chăm sóc trẻ.

- Chứng biếng ăn do nguyên nhân tâm thần: rất ít gặp, chỉ chẩn đoán khi đã loại trừ các nguyên nhân kể trên, chứng biếng ăn xuất hiện sớm trong vòng 2- 3 tháng đầu, trẻ không chịu ăn uống gì, rẫy rụa kêu khóc, ngoài bữa ăn trẻ hoàn toàn bình thường : thông minh nhanh nhẹn, hiếu động, nhưng dễ xúc cảm. Hiện nay người ta coi chứng này như là một “phản ứng chống đối” của đứa trẻ với gia đình. Nói chung các nguyên nhân gây biếng ăn thì rất nhiều và thay đổi tuỳ theo tuổi, cần thăm khám kĩ thì mới tìm được nguyên nhân xác thực.

Tình trạng biếng ăn lâu dài ảnh hưởng như thế nào đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ? 


Nếu biếng ăn lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng dẫn đến chậm phát triển cân nặng, chiều cao, suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, thiếu máu, còi xương và hậu quả cuối cùng là bị suy dinh dưỡng.

Biếng ăn khiến trẻ gầy yếu và một trẻ gầy yếu do biếng ăn thì càng biếng ăn hơn. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? 

Biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại càng biếng ăn hơn nó tạo thành một vòng xoắn bệnh lý rất khó điều trị. Vì vậy khi trẻ mới biếng ăn phải tìm cách khắc phục ngay, không nên để tình trạng biếng ăn kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Khi trẻ biếng ăn không nên cho trẻ nhịn ăn, càng nhịn ăn trẻ càng biếng ăn hơn, vì khi nhịn ăn men tiêu hoá không được tiết ra làm cho tình trạng biếng ăn càng trầm trọng. Nên cho trẻ ăn ít một nhiều bữa trong ngày, thay đổi cách chế biến, thay đổi thường xuyên các món ăn đa dạng trong ngày. Cho trẻ đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân biếng ăn ở trẻ điều trị kịp thời.




2. Trẻ chậm mọc răng: 


Trẻ 10 tháng tuổi chưa mọc răng có thể coi là chậm, nhưng nếu trẻ vẫn phát triển tốt về thể chất và tinh thần thì đó là do sinh lý. Ngược lại, chậm mọc răng và kết hợp thêm các dấu hiệu như chậm lên cân, chiều cao, hay các triệu chứng còi xương thì là do còi xương. Số lượng răng là một trong những dấu hiệu dùng để theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ. Những chiếc răng đầu tiên mọc lên báo hiệu trẻ có thể bắt đầu ăn các thức ăn đặc hơn sữa. Số răng của trẻ có liên quan đến số tháng tuổi: thông thường số răng bằng số tháng tuổi trừ đi 4. Tuy nhiên, như tất cả mọi chuyện khác dính líu đến con người, cũng có những trường hợp ngoại lệ: có vài trẻ sinh ra đã có sẵn 1-2 răng, hoặc có một số trẻ đến 8-9 tháng mà vẫn chưa mọc chiếc răng cửa đầu tiên. Những vấn đề này có thể hoàn toàn là sinh lý, nếu như trẻ vẫn phát triển tốt về tất cả mọi mặt khác: thể chất và tinh thần. Điều cần quan tâm là phát hiện sớm các trường hợp chậm mọc răng có liên quan đến thiếu dinh dưỡng, thiếu canxi, còi xương do thiếu vitamin D... để kịp thời cải thiện chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ cho phù hợp. Trẻ chậm mọc răng thường do thiếu canxi để phát triển các mầm răng. Thức ăn chính của trẻ là sữa. Sữa là loại thức ăn giàu canxi nhất và dễ hấp thu nhất nên trẻ không thiếu nguồn cung cấp canxi, trừ những trẻ bú mẹ mà mẹ ăn uống kiêng khem làm giảm chất lượng của nguồn sữa. Tỷ lệ canxi trong thức ăn được hấp thu liên quan đến một tỷ lệ phù hợp của một chất khoáng khác là phốtpho, có nhiều trong các loại ngũ cốc, các loại rau, củ... Khi tỷ lệ phốt pho quá cao, sự hấp thụ canxi sẽ giảm đi.

Một chất nữa cần thiết cho sự hấp thụ canxi là vitamin D. Có 2 nguồn cung cấp vitamin D cho trẻ là thức ăn và từ ánh sáng mặt trời, trong đó nguồn cung cấp chủ yếu là từ ánh sáng mặt trời (chiếm tới 80%). Thức ăn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) chứa nhiều vitamin D hơn với một tỷ lệ hấp thụ cao hơn thức ăn có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, vì vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu nên nếu chế độ ăn không có đủ chất béo thì dù ăn nhiều thức ăn động vật, vitamin D vẫn không thể hấp thụ được vào cơ thể.

Để phòng tình trạng còi xương ở trẻ, các bà mẹ nên chú ý một số điều sau:

- Mẹ trong giai đoạn có thai và cho con bú cần ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem, uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày.

- Bắt đầu cho trẻ (và cả mẹ) tắm nắng vào buổi sáng từ lúc trẻ được 1 tháng tuổi, liên tục đến khi trẻ biết đi. Thời gian tắm nắng trung bình 15-30 phút mỗi ngày, trẻ có da sậm màu hơn phải tắm lâu hơn trẻ có da sáng.

- Không pha sữa cho trẻ bằng các loại nước cháo, nước bột, nước rau củ... và nhất là nước khoáng, lượng khoáng chất cao trong những loại nước này sẽ làm giảm hấp thu canxi.

- Trong chế độ ăn của trẻ luôn cung cấp đầy đủ chất đạm, nhất là đạm động vật và chất béo: Mỗi bát thức ăn của trẻ phải thêm 1-2 thìa dầu ăn.

Khi trẻ chậm mọc răng, nếu kết hợp thêm các dấu hiệu của một tình trạng thiếu dinh dưỡng chung như chậm phát triển cân nặng, chiều cao và các triệu chứng của còi xương như ngủ không ngon giấc ban đêm, hay giật mình khóc thét, có những cơn khóc ngất tím cả người, đổ mồ hôi trộm ban đêm, bẹp hộp sọ, lồng ngực lép, thóp rộng... thì chậm mọc răng ở trẻ là do còi xương. Cần gia tăng khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ, nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn động vật, chất béo... Việc bổ sung thêm vitamin D và canxi dưới dạng thuốc là cần thiết tuy nhiên phải được chỉ định của bác sĩ. Các bà mẹ không được tự ý sử dụng thuốc bổ sung vitamin D, vì có thể làm trẻ bị ngộ độc khi dùng liều cao hoặc thời gian dùng quá dài.

Trường hợp của bé, bạn nên cho bé đi khám và tư vấn tại chuyên khoa dinh dưỡng.

Chúc bé hay ăn chóng lớn!

Bs.Thuocbietduoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ads Inside Post

Xem thêm bài viết